Văn hóa Tây_Hạ

Văn hóa Tây Hạ chịu ảnh hưởng sâu của văn hóa Hán vùng Hà Lũng, cũng như văn hóa Thổ Phồn và Hồi Cốt. Người Tây Hạ đồng thời cũng tích cực tiếp thu văn hóa và chế độ phép tắc Hán,[46] phát triển Nho học,[47] phổ biến Phật học, hình thành một vương quốc Phật giáo có chế độ phép tắc Nho gia.[48] Người Đảng Hạng khởi đầu là bộ lạc du mục, còn Phật giáo sau khi truyền đến Lương châu vào thế kỷ I thì dần trở nên hưng thịnh trong khu vực, người Tây Hạ sau khi kiến quốc đã sáng tạo ra nền văn hóa nghệ thuật Phật giáo độc đáo của riêng mình. Chùa khắc đá Bách Nhãn ở kỳ Ngạc Thác Khắc thuộc Nội Mông là kho báu nghệ thuật bích họa Phật giáo Tây Hạ. Trong Hắc Thủy thành ở kỳ Ngạch Tể Nạp phát hiện được kinh Phật bằng Tây Hạ văn, tháp Phật Thích Ca, tượng Quan Âm đắp bằng đất. Ngoài ra, Tây Hạ còn tích cực phát triển hang Mạc CaoĐôn Hoàng. Sau khi Tây Hạ đánh diệt Quy Nghĩa quân vào năm 1036, họ chiếm lĩnh Qua châu và Sa châu, kiểm soát hang Mạc Cao. Từ thời Hạ Cảnh Tông đến thời Hạ Nhân Tông, hoàng đế Tây Hạ nhiều lần hạ lệnh xây dựng sửa chữa trong hang Mạc Cao, khiến nơi đây thêm phần huy hoàng. Đương thời, hang Mạc Cao được bôi màu lục, tiếp thu văn hóa Trung Nguyên và phong cách Úy Ngột Nhi, Thổ Lỗ Phồn.[48] Ngoài ra, biểu hiện cho văn hóa Tây Hạ còn có Tây Hạ văn, còn gọi là "Phiên thư". Tây Hạ thiết lập Phiên học và Hán học khiến ý thức dân tộc Tây Hạ được tăng cường, bách tính "thông Phiên-Hán tự", trình độ văn hóa được tăng thêm nhiều. Lý Nguyên Hạo từng ban bố "Thốc Phát lệnh", lệnh cho nam giới tên toàn quốc trong ba ngày phải cạo đầu, ai trái lệnh phải chết.

Tư tưởng và giáo dục

Một phần "Tôn Tử binh pháp" viết bằng Tây Hạ văn theo lối thảo thư.

Thể chế quan liêu và văn hóa cùng chế độ chính trị của Tây Hạ chịu ảnh hưởng sâu của văn hóa Nho gia, từ thời Lý Kế Thiên đến những năm cuối, các đế vương Tây Hạ không ai không học tập và phỏng theo phép chế của người Hán. Thời Lý Kế Thiên, "ngầm đặt chức quan, khác biệt hoàn toàn so với quy chế của người Khương, hết lòng mời Nho sĩ, dần thi hành tập tục Trung Quốc"; đến thời Lý Đức Minh thì "đều như chế độ ở Trung Quốc". Các thế hệ hoàng thân tông thất của Tây Hạ sùng bái Khổng Tử, tôn trọng ngưỡng mộ văn hóa Hán tộc.[49] Ngoài ra, người Tây Hạ còn soạn viết một số thư tịch dung hợp và tuyên dương học thuyết Nho gia, như "Thánh lập nghĩa hải", "Tam tài tạp tự", "Đức hành ký", "Tân tập từ hiếu truyền", "Tân tập cẩm hiệp đạo lý", "Đức sự yếu văn".[19] Nho học được đề xướng tại các triều Cảnh Tông, Nghị Tông, Huệ Tông, và Sùng Tông, đến thời Nhân Tông thì trở nên rất thịnh.

Khi Hạ Cảnh Tông thiết lập quan chế, đồng thời cũng cho thiết lập Phiên học và Hán học để làm cái nôi giúp bồi dưỡng văn hóa.[50] Nhà bác học đa tài Dã Lợi Nhân Vinh được phân chủ trì Phiên học do Hạ Cảnh Tông xem trọng Phiên học, đồng thời ở các châu đặt chức 'giáo thụ', để tiến hành giảng dạy Phiên học. Tây Hạ nhìn chung thiết lập năm loại học hiệu: Phiên học, quốc học, tiểu học, cung học, thái học. Mục đích của việc thiết lập học hiệu chủ yếu là để bồi dưỡng nhân tài, tôn Khổng Tử làm Văn Tuyên Đế. Tây Hạ vào thời trung hậu kỳ còn phát triển chế độ khoa cử, hậu kỳ Hạ Sùng Tông thì bắt đầu tiến hành 'Đồng tử khoa', tiến hành khảo thí khoa cử; năm 1147 Hạ Nhân Tông phong cử nhân, lập lại 'Đồng tử khoa'. Tây Hạ vào hậu kỳ về cơ bản dùng khoa cử để chọn kẻ sĩ làm quan, bất luận là người Hán hay các dân tộc khác, cũng như tông thất quý tộc đều phải trải qua khoa cử trên con đường làm quan.[19]

Chữ viết, văn học và sử học

Ấn khắc bằng đồng thanh, dùng để đóng dấu vào các pháp lệnh nhằm xác minh thân phận.

Vào đêm trước khi dựng nước, để đáp lại kiến nghị về ngôn ngữ quốc gia, Hạ Cảnh Tông phái Dã Lợi Nhân Vinh phỏng theo kết cấu của chữ Hán để tạo ra chữ Tây Hạ, đến năm 1036 thì ban hành, cũng được gọi là "quốc thư" hoặc "Phiên thư"; biểu, tấu, văn thư qua lại với vương triều xung quanh đều sử dụng chữ Tây Hạ. Văn tự này được cấu thành phần nhiều là tương tự cấu tạo lục thư (tượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú, giả tá) của chữ Hán, song so với chữ Hán thì có số nét nhiều hơn.[51] Văn học gia người Tây Hạ là Cốt Lặc Mậu Tài nhận định quan hệ giữa chữ Tây Hạ và chữ Hán là "luận mạt tắc thù, khảo bổn tắc đồng"Bản mẫu:Luận về (hình thái) sau cùng thì có khác, xét kỹ về bản chất (nguồn gốc) thì giống nhau (論末則殊,考本則同). Chữ Tây Hạ sau khi xuất hiện thì được sử dụng rộng rãi trong các sách lịch sử, pháp luật, văn học, y học, hay trên các văn bia được chạm khắc, các tiền tệ được đúc, trên các bùa chú hay thẻ bài. Triều đình Tây Hạ cũng thiết lập Phiên học, do Dã Lợi Nhân Vinh chủ trì, tuyển chọn bổ nhiệm con em quý tộc quan lại phiên dịch văn điển Hán hay kinh điển Phật giáo. Để phục vụ cho việc phiên dịch giữa văn tự Hán và Tây Hạ, Cốt Lặc Mậu Tài vào năm 1190 soạn viết ra "Phiên Hán hiệp thì chưởng trung châu" (番漢合時掌中珠), lời tựa có cả chữ Tây Hạ và chữ Hán, nội dung giống nhau. Nói rằng "không học nói tiếng Phiên thì không thể hòa hợp với dân Phiên, không biết tiếng Hán thì sao hợp được với phép tắc người Hán", ý rằng quyển sách này có mục đích là để cho người Tây Hạ và người Hán có thể học tập ngôn ngữ của nhau, là một chìa khóa quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử Tây Hạ hiện nay.[52]

Tây Hạ xem trọng văn hóa Hán, song tác phẩm văn học sáng tác bằng Hán văn truyền đời không nhiều, phần lớn là thi ca và ngạn ngữ. Thi ca Tây Hạ có các thể loại như thơ cung đình, thơ tôn giáo khuyến thiện, thơ khai sáng, kỉ sự và sử thi. Thi ca Tây Hạ có luật vần, thường có kết cấu đối xứng, thông thường là thể ngũ ngôn hoặc thất ngôn, cũng có thể đa ngôn, mỗi câu thơ có số âm tiết khác nhau. "Đại tụng thi" của tác giả Tây Hạ văn Dã Lợi Nhân Vinh nhận được sự tán dương, khá có tiếng. "Hạ thánh căn tán ca" là tác phẩm mang tính sử thi, nội dung phần nhiều là truyền thuyết dân gian, cách dùng từ chọn câu giàu sắc thái ca dao dân gian.[53] Trong đó, bắt đầu bằng ba câu: "Hắc đầu thạch thành mạc thủy biên, Xích diện phụ trủng bạch hà thượng, Cao di dược quốc tại bỉ phương"Bản mẫu:Cần dịch nghĩa (黑頭石城漠水邊, 赤面父冢白河上, 高彌藥國在彼方), được các học giả Tây Hạ học sử dụng trong việc nghiên cứu lịch sử khởi nguyên của người Đảng Hạng. Ngoài ra còn có "Tân tu Thái Học ca" khen ngợi Thái Học được xây dựng lại, mang phong cách thơ cung đình. Hạ Sùng Tông xem trọng văn học, bản thân cũng từng sáng tác "Linh chi ca" đối đáp với đại thần Vương Nhân Trung, truyền thành giai thoại.[52]

Stephen Wootton Bushell giải mã 37 chữ Tây Hạ sang chữ Hán vào năm 1896.

Ngạn ngữ Tây Hạ đối ngẫu tinh tế chỉnh tề, kết cấu nghiêm ngặt, số từ không giống nhau, nội dung có phạm vi rộng và phản ánh các mặt của xã hội Tây Hạ, đồng thời liên quan đến các yếu tố sản xuất, phong tục, tôn giáo của bách tính. Tập sách ngạn ngữ Tây Hạ nổi tiếng có "Tân tập cẩm hiệp từ", bởi Lương Đức Dưỡng biên soạn vào năm 1176, được Vương Nhân Trì biên soạn bổ sung vào năm 1187, tổng cộng có 364 điều ngạn ngữ.[54] Nội dung của tập sách có ghi rằng "Ngạn ngữ không thành thạo thì không cần phải nói"; "thiên thiên chư nhân", "vạn vạn dân thứ" đều không thể thiếu được ngạn ngữ, thể hiện ra tính quan trọng của ngạn ngữ đối với nhân dân Tây Hạ.[52]

Hoàng đế Tây Hạ rất xem trọng công tác biên soạn quốc sử của nước mình. Oát Đạo Xung vào thời Lý Đức Minh đã giữ chức chủ quản việc soạn viết quốc sử của Tây Hạ, hậu duệ của người này sau đó kế tiếp nhiệm vụ. Đến thời Hạ Nhân Tông, đặt ra Hàn lâm học sĩ viện, mệnh Vương Thiêm, Tiêu Cảnh Nhan tham khảo chước theo quy cách viết quốc sử kiểu thực lục của Tống, phụ trách việc viết "Lý thị thực lục". Năm 1225, Nam viện tuyên huy sứ La Thế Xương sau khi bãi quan đã viết "Hạ quốc thế thứ", song sau đó bị mất.[55]

Tôn giáo

Thừa Thiên tự tháp được lập vào thời Hạ Nghị Tông, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Một Tạng thái hậu

Nhân dân Tây Hạ nhìn chung chọn Phật giáo làm tín ngưỡng chủ yếu, trước khi kiến quốc thì họ sùng bái tự nhiên là chính.[56] Người Đảng Hạng khi còn ở khu vực Tùng Phan Tứ Xuyên vào thời Đường đã lấy "trời" làm đối tượng sùng bái[57] Những người Đảng Hạng sau khi thiên di đến khu vực Thiểm Bắc, từ sùng bái tự nhiên phát triển đến tín ngưỡng quỷ thần.[58] Sau khi kiến quốc, người Đảng Hạng vẫn tôn sùng tín ngưỡng đa thần, với các vị thần tự nhiên như sơn thần, thủy thần, long thần, thụ thần, các thần thổ địa.[59] Ví dụ như Hạ Cảnh Tông từng "tự đến Tây Lương phủ cúng tế thần"; Hạ Nhân Tông từng lập bia cầu Hắc Thủy ở ven sông Hắc Thủy tại Cam châu, tế cáo chư thần, thỉnh cầu bảo hộ cầu, dẹp yên lũ lụt. Ngoài sùng bái quỷ thần, người Đảng Hạng còn tôn sùng vu thuật, tức ma thuật. Người Đảng Hạng gọi việc cúng quỷ là "tư" (廝), thầy cúng quỷ được gọi là "tư kê" (廝乩), là cầu nối giữa người và quỷ thần, chủ yếu đảm nhiệm về đuổi quỷ và xem bói. Trước chiến tranh, người Tây Hạ tiến hành việc xem bói để hỏi về lành dữ, trong chiến tranh thì họ thường xuyên tiến hành vu thuật "sát quỷ chiêu hồn".[60]

"Kim quang minh tối thắng vương kinh" khắc bằng Tây Hạ văn.

Phật giáo là quốc giáo của Tây Hạ, người Đảng Hạng trước khi kiến quốc từng sáu lần xin đổi lấy kinh Phật của Tống, triều đình Tống ban cho "Đại tạng kinh". Hạ Cảnh Tông sau khi lập quốc liền bắt đầu cho phiên dịch kinh Phật sang Tây Hạ văn. Trong vòng năm mươi mấy năm, dịch được 820 bộ kinh Đại Thừa và Tiểu Thừa, với 3.579 quyển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân đối với Phật giáo. Ngoài ra, Hạ Cảnh Tông cùng các hoàng đế và thái hậu sau đó của Tây Hạ cũng cho xây dựng nhiều chùa chiền Phật giáo, với các trung tâm Hưng Khánh phủ-Hạ Lan sơn, Cam châu-Lương châu, Đôn Hoàng-An Tây, Hắc Thủy thành.[61] Ví dụ, Thừa Thiên tự được xây dựng dựa theo yêu cầu của Một Tạng thái hậu- mẫu hậu của Hạ Nghị Tông, năm 1093 lại trùng tu tháp Cảm Thông và chùa miếu ở Lương châu, năm sau lập "Trùng tu Hộ Quốc tự Cảm Thông tháp bi". Thời kỳ Hạ Sùng Tông, lại xây dựng thêm Ngọa Phật tự ở Cam châu. Triều đình Tây Hạ hết sức đề xướng Phật giáo, đề cao địa vị của tăng nhân, tăng nhân do đó không cần nộp thuế và gánh vác tạp dịch; nếu phạm tội có thể được giảm miễn tội hình, khu vực xung quanh khuôn viên chùa cũng được triều đình bảo hộ. Đến hậu kỳ, Tây Hạ có xu thế ngày càng chịu ảnh hưởng lớn của Phật giáo Tạng truyền, năm 1159 sơ tổ Đô Tùng Khâm Ba của Già Mã Già Cử phái cho lập chùa Thô Bố, Hạ Nhân Tông phái sứ đến Tây Tạng nghênh tiếp cung phụng. Đô Tùng Khâm Ba phái đại đệ tử Cách Tây Tạng Tỏa Bố đem theo kinh văn đến Hưng Khánh phủ của Tây Hạ, được Hạ Nhân Tông tôn làm thượng sư, đồng thời tham dự vào việc phiên dịch kinh văn. Tây Hạ còn đặt ra chức đế sư, điều mà sau này triều Nguyên cũng thực hiện, và đề cao địa vị của Phật giáo Tạng truyền. Ngoài đế sư ra, Tây Hạ còn có 'quốc sư', các tăng nhân còn có nhiều tôn hiệu cao cấp khác, đóng vai trò là trung tâm và xương sống trong việc thúc đẩy sự phát triển của Phật giáo Tây Hạ.[48]

Bên cạnh Phật giáo, Tây Hạ cũng bao dung các tôn giáo khác. Đạo giáo cũng được lưu truyền ở Tây Hạ, như hoàng tử của Hạ Cảnh Tông là Ninh Minh học tập tịch cốc thuật của Nho gia mà chết.[62] "Văn hải" giải thích chữ "tiên" (仙) là "người cầu đạo trên núi", "người cầu trường thọ trên núi). Đến vãn kỳ của Tây Hạ, tại khu vực Sa châu và Cam châu còn lưu truyền Cảnh giáoHồi giáo, như Livre des merveilles du monde ghi theo lời kể của Marco Polo ghi rằng tại Đôn Hoàng (tỉnh Tangut) và Cam châu có bộ phận môn đệ Cảnh giáo và Hồi giáo.[63][64]

Nghệ thuật

Bích họa "Phồ Hiền biến đồ" tại hang số 3 của quần thể hang Du Lâm.

Nghệ thuật của Tây Hạ rất đa nguyên và phong phú, trên các mặt như hội họa, thư pháp, điêu khắc, vũ đạoâm nhạc đều có thành tựu. Hội họa Phật giáo của Tây Hạ vẫn còn truyền lại cho đến nay, xuất hiện tại bích họa trong các hang đá hay chùa miếu, cho đến nay thì hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng và hang Du Lâm ở Qua Châu là những nơi phong phú nhất. Thời đầu, nghệ thuật hội họa Tây Hạ học tập phong cách của Bắc Tống, sau đó thì chịu ảnh hưởng của Phật giáo Hồi Cốt và Phật giáo Tạng truyền từ Thổ Phồn, cuối cùng hình thành nên phong cách nghệ thuật độc đáo. Nội dung hội họa bao gồm cố sự và thuyết pháp Phật giáo, cung dưỡng Bồ Tát và nhân tượng, hoa văn trang trí trong hang, các tác phẩm có tiếng nhất là "Văn thù biến đồ", "Phổ Hiền biến đồ", "Thủy nguyệt Quan Âm đồ", và "Thiên thủ thiên nhãn Quan Âm kinh biến đồ". Ngoài ra, trong "Nông canh đồ", "Đạp đối đồ", "Đoán thiết đồ" còn quan sát được khung cảnh sản xuất và sinh hoạt trong xã hội Tây Hạ. Về tranh khắc gỗ, phần nhiều là bắt nguồn trong kinh Phật Tây Hạ văn và Hán văn. Tại Hắc Thủy thành khai quật được một lượng lớn tranh vẽ Phật giáo, như "Văn Thù đồ", "Phổ Hiền đồ", "Thắng Tam Thế Minh vương Mạn đồ la đồ", được vẽ đậm với màu nặng, sắc điệu thâm trầm. Còn bản vẽ "Mại nhục đồ" và "Ma quỷ hiện thế đồ" miêu tả sinh động, phản ánh chiều sâu của hội họa Tây Hạ.[8]

Về thư pháp, khải thư được thấy nhiều trên các bản kinh được chép và bia văn, triện thư xuất hiện trên đầu bia và quan ấn. Thời kỳ Hạ Nhân Tông, Hàn lâm học sĩ Lưu Chí Trực giỏi về thư pháp, ông dùng bút được làm từ lông đuôi của linh dương Mông Cổ, người thời đó cũng bắt chước theo.[8] Điêu khắc rất phát triển, có đúc đồng, khắc đá, khắc gạch, khắc gỗ, khắc tre, nặn tượng đất, gốm sứ; chúng có đặc điểm là cân đối, đao pháp tinh tế, rất chân thực. Nặn tượng đất lấy đắp tượng chùa Phật làm đại biểu, phần nhiều vận dụng thủ pháp tả thực và khoa trương nghệ thuật, tạo ra hình tượng nhân vật sinh hoạt hiện thực. Ví dụ như vào thời kỳ Hạ Sùng Tông cho dựng Thích Ca Mâu Ni Niết Bàn tượng ở Đại Phật tự tại Cam châu, tượng Tây Hạ cung dưỡng thiên nữ đầy màu sắc ở hang số 491 tại quần thể hang Mạc Cao tại Đôn Hoàng. Các sản phẩm nghệ thuật gốm sứ khác có kỹ thuật khắc tinh tế và sinh động.[8]

Thời kỳ đầu, người Đảng Hạng dùng các nhạc khí tì bà, hoành xuy, kích phữu là chính, trong đó hoành xuy tức là ống sáo trúc. Sau đó, người Đảng Hạng tiếp thụ văn hóa âm nhạc Trung Nguyên, thời Lý Đức Minh lựa chọn khuôn phép âm nhạc kiểu Tống và dần dần phát triển. Hạ Cảnh Tông sau khi kiến quốc lại trừ bỏ đi âm nhạc mang tính lễ tiết quá nhiều của Đường-Tống, "đổi nhạc ngũ âm thành nhất âm".[65] Năm 1148, Hạ Nhân Tông lệnh cho nhạc quan là Lý Nguyên Nho cải đính âm luật, ban danh là "Đỉnh tân luật". Âm nhạc Tây Hạ rất phong phú,[66] cũng đặt ra 'Phiên-Hán nhạc nhân viện', thời Hạ Huệ Tông từng chiêu dụ giới kỹ nữ, nhạc nhân người Hán gia nhập nhạc viện, các hí khúc như "Lưu Tri Viễn chư cung điệu" cũng được truyền nhập tới Tây Hạ.[8] Vũ đạo vào thời kỳ Tây Hạ được lưu lại trên các bia khắc và bích họa trong hang đá, có hình tượng sinh động, dung nạp phong cách vũ đạo Đường-Tống và vũ đạo Mông Cổ. Ví dụ như hai bên trên phần đỉnh bia của "Lương châu Hộ Quốc tự Cảm Ứng tháp" có khắc vũ kỹ, tư thế của người múa đối xứng, khỏa thân, cầm khăn và đeo chuỗi ngọc ở cổ, trong khung cảnh hào phòng cũng hiện ra vẻ tha thướt yêu kiều. Trong hang số 3 trong quần thể hang Du Lâm có bích họa Tây Hạ "Nhạc vũ đồ", với tư thế mạnh mẽ.[8]